Ngày 08/8/2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang - Hồ Thu Ánh ký ban hành Công văn số 1127/UBND-NCTH về việc tăng cường các biện pháp nhằm tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và chủ động phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người.
Theo đó, để triển khai hiệu quả, nghiêm túc hơn nữa các biện pháp nhằm tiếp tục kiểm soát tốt dịch COVID-19 và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm ở người trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
1. Giám đốc sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tỉnh: Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tiếp tục thực hiện mục tiêu kiểm soát dịch bệnh, không để dịch bùng phát trở lại, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
- Tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo: đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết; người dân là chủ thể, là trung tâm, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của Nhân dân; phòng dịch từ sớm, từ xa, ngay từ cơ sở; sớm một bước, cao hơn một mức, không để xảy ra dịch chồng dịch; phòng dịch là cơ bản, chiến lược, lâu dài, quyết định, phòng dịch tốt thì không phải chống dịch; phòng chống dịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và sự tham gia của toàn thể Nhân dân; tiêm vắc xin là quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, với bản thân, gia đình và cộng đồng.
- Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tham gia công tác phòng, chống dịch đảm bảo an toàn, hiệu quả, kiểm soát dịch bệnh và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thích ứng an toàn, linh hoạt, duy trì kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng và quan tâm bệnh đậu mùa khỉ; đặc biệt, tập trung đẩy mạnh tuyên truyền công tác tiêm vắc xin ngừa COVID-19.
- Tập trung chỉ đạo, đảm bảo kinh phí, nguồn lực để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kịp thời xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan, nhất là việc đảm bảo chế độ, chính sách, động viên khen thưởng đối với các lực lượng phòng, chống dịch.
- Thực hiện nghiêm, linh hoạt các biện pháp phòng, chống dịch; tiếp tục thực hiện công thức 2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2022 của Chính phủ ban hành Chương trình phòng chống dịch COVID-19; các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ: Công điện số 664/CĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022, Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25 tháng 7 năm 2022, Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2022 và tiếp tục thực hiện nghiêm Công văn số 580/UBND-NCTH ngày 29 tháng 4 năm 2022 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết trên địa bàn Tỉnh; đồng thời, chủ động, sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh truyền nhiễm ở người có thể xảy ra và lây lan trên diện rộng.
2. Sở Y tế:
- Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện, thị xã, thành phố đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các nhóm đối tượng, đảm bảo hoàn thành tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong tháng 8/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt nhóm trẻ có nguy cơ cao (trẻ béo phì, mắc bệnh nền, suy giảm miễn dịch...), đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi 3 cho 3 người từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi, hoàn thành sớm nhất việc tiêm mũi 3, mũi 4 cho người dân từ 18 tuổi trở lên theo hướng dẫn của Bộ Y tế; không để tình trạng vắc xin không được sử dụng kịp thời, gây lãng phí.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác triển khai tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn; quán triệt, đảm bảo nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, sử dụng hiệu quả số vắc xin được phân bổ. Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra tình trạng vắc xin quá hạn phải hủy bỏ trong khi vẫn còn đối tượng có chỉ định nhưng chưa được tiêm chủng.
- Tiếp tục bám sát tình hình dịch bệnh trong nước, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới; chủ động có giải pháp ứng phó với các dịch bệnh mới, giám sát chặt chẽ không để dịch bệnh truyền nhiễm mới xâm nhập vào Tỉnh. Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố rà soát, bảo đảm năng lực thu dung, điều trị; chủ động, sẵn sàng các kịch bản, phương án đáp ứng các tình huống dịch bệnh, không để bất ngờ, bị động; phát hiện sớm, điều trị sớm, hạn chế tối đa các trường hợp chuyển biến nặng, tử vong; tiếp tục tăng cường năng lực của hệ thống y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở; tập trung phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành khác.
- Chỉ đạo các cơ sở y tế bảo đảm đủ thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, nhân lực cho công tác phòng, chống dịch COVID-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng,… và phục vụ khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
- Khẩn trương khắc phục các vấn đề còn tồn tại hạn chế và triển khai thực hiện nghiêm các khuyến nghị của Đoàn công tác kiểm tra, hướng dẫn, giám sát công tác bảo quản, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh Hậu Giang theo Thông báo số 2778/TB-PAS ngày 20 tháng 7 năm 2022 của Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh.
- Phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện các nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế tại: Công điện số 664/CĐ-TTg, Công điện số 665/CĐ-TTg, Công điện số 680/CĐ-TTg, Thông báo số 205/TB-VPCP, Công văn số 4018/BYT-DP, Thông báo số 1002/TBBYT nêu trên.
3. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Hậu Giang, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh:
tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về tác dụng, hiệu quả của vắc xin và việc tiêm mũi 3, mũi 4 trong việc ngăn ngừa bệnh chuyển nặng, tử vong, vai trò, ý thức người dân, cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các biến chủng mới; tăng cường đưa tin, bài cập nhật tình hình dịch COVID-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ và các bệnh truyền nhiễm lưu hành trong nước và trên địa bàn Tỉnh… để Nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp hiểu, chia sẻ và tích cực tham gia, ủng hộ công tác phòng, chống dịch bệnh.
4. Sở Giáo dục và Đào tạo
- Chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, thị xã, thành phố, các cơ sở giáo dục, trường học tích cực phối hợp với ngành Y tế địa phương rà soát danh sách các đối tượng học sinh chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin phòng, chống dịch COVID-19 và có biện pháp tiếp cận, vận động phụ huynh tích cực hưởng ứng đưa con em đi tham gia tiêm vắc xin đủ liều, đúng lịch, đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh, sẵn sàng cho năm học mới 2022-2023.
- Phối hợp với UBND huyện, thị xã, thành phố nghiên cứu giải pháp để quan tâm đầu tư và nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế trường học để đáp ứng kế hoạch chủ động phòng, chống dịch bệnh trong trường học.
5. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách xã hội, nhất là các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động nhằm ổn định và phát triển thị trường lao động, đảm bảo an sinh xã hội; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện, xử lý phát sinh trong quá trình thực hiện.
6. Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh: tăng cường vận động các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm (COVID-19, sốt xuất huyết, đậu mùa khỉ…) trong công ty, nhà máy, cơ sở sản xuất; tổ chức tuyên truyền, vận động đội ngũ quản lý, công nhân, người lao động tích cực tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều, đúng lịch, nhất là tiêm mũi 3, mũi 4 theo đúng đối tượng và hướng dẫn của ngành Y tế nhằm tăng cường bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, các Hội đặc thù tỉnh: tăng cường các hình thức truyền thông, tổ chức lực lượng hội viên thành lập các đội tuyên truyền đến từng địa bàn dân cư vận động người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, tích cực tham gia tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đủ liều, đúng lịch với tinh thần truyền thông đến mọi đối tượng, theo cách phù hợp, hiệu quả đối với từng đối tượng truyền thông.
8. UBND huyện, thị xã, thành phố:
- Tiếp tục quan tâm và chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng cấp ủy Đảng, chính quyền cơ sở nhằm đẩy nhanh tiến độ tiêm các mũi vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn theo hướng dẫn của ngành Y tế.
- Chủ động xây dựng kế hoạch, kịch bản theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng trong trường hợp dịch bệnh xảy ra tại địa phương, không để bị động; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng chống dịch; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn quản lý./.
Nguồn: Cổng thông tin điện tử Tỉnh Hậu Giang